Thursday, March 26, 2015

Tiểu thương chợ Tân Hiệp bị bắt giữ trái phép

VRNs (25.03.2015)  – Sài Gòn – Công an, dân phòng Tp.HCM hành hung, đánh đập Tiểu thương chợ Tân Hiệp – Đồng Nai, khi họ giăng biểu ngữ và biểu tình ôn hòa trước Phòng Thanh Tra Chính Phủ số 210 đường Võ Thị Sáu Tp.HCM, vào sáng ngày 25.03.2015.

Một tiểu thương tên Tăng Thị Ngân bị bắt giữ trái phép tại công an phường 14, Quận 3. Bà bi bắt vào lúc 12 giờ cùng ngày. Rất đông tiểu thương chợ Tân Hiệp đứng trước trụ sở công an này để đòi người một cách ôn hòa.


Vào sáng nay, gần 100 Tiểu thương Tân Hiệp đứng trước Phòng Thanh Tra Chính Phủ kêu oan, gửi đơn kiếu nại nhưng công an, dân phòng đã xô đẩy, hành hung, tống bà con lên xe và đưa về Văn phòng tiếp dân tại Hồ Học Lãm Q.Bình Tân, Tp.HCM.

Một tiểu thương chợ Tân Hiệp tên là Thục kể lại: “Công an và dân phòng ra đông lắm để trấn áp mọi người. Trong đám đông, công an, dân phòng cứ xô đẩy bà con. Mấy anh công an to lắm, đẩy em nằm sõng soài giữa đường, sau đó chúng nó đạp em. Em đứng dậy lại được thì nó tiếp tục cầm tay cầm chân em lôi đi, đá vào người em nữa.

Bà Thục uất ức bật khóc: “Em không ngờ một người làm việc nhà nước lại đi đánh dân, mà là đàn ông nữa chứ, to gấp rưỡi em. Đau thì không đau nhưng không thể chấp nhận được cái cảnh đàn ông đánh, xô đẩy phụ nữ như vậy. Dân giang hồ cũng không xử sự như vậy nữa. Những người làm cho chính quyền có ăn có học mà lại hành xử với người dân như vậy.”

Bà Hà – Tiểu thương chợ Tân Hiệp – cho biết thêm: “Khoảng 12 giờ, rất đông công an và dân phòng ra hốt các tiểu thương lên xe đưa về Hồ Học Lãm. Cứ 4 người khiêng một tiểu thương, rồi tống lên xe. Ai chống cự thì bị hành hung, đánh đập dã man. Chị kia bị công an nắm lấy tóc, đánh dã man lắm. Một người khác kêu lên ‘công an đánh dân, công an đánh dân…’ thì công an kéo rách cả áo của chị ấy luôn đó. Trên xe thì có mùi hơi cay nồng nặc, không chịu nổi. Chúng nó quá thô bạo và khốn nạn quá! Kinh khủng lắm! Lần đầu tiên, tôi thấy cảnh công an đàn áp người dân như thế.”


Còn bà Nương – Tiểu thương chợ Tân Hiệp – tiếp lời: “Bà con mới chỉ đứng trước cổng thôi, mới căng băng rôn lên thì lập tức họ [công an và dân phòng] kéo ra đông lắm. Họ bắt một số người để làm nhụt chí những người còn lại và sợ không dám làm gì nữa. Họ xô đẩy làm cho một cô lớn tuổi bị ngất xỉu. Tôi chưa từng thấy chính quyền nào lại đàn áp người dân như thế này. Chúng tôi thấp cổ bé miệng không biết kêu cứu ai, vì quan lớn bao che cho quan nhỏ. Bây giờ, chúng tôi chả biết tin vào ai hết. Bà con chỉ mong muốn chính quyền trả lại chợ truyền thống cho bà con thôi.”


Như VRNs đã loan tin, chợ Tân Hiệp, thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được xây dựng vào năm 1998, hoạt động từ năm 1999, là nơi buôn bán kinh doanh của khoảng 700 tiểu thương.

Việc xây dựng chợ Tân Hiệp được bắt đầu bằng quyết định 429/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này, gần 19.000m2 đất tại phường Tân Hiệp được giao cho UBND TP. Biên Hòa để xây dựng chợ Tân Hiệp theo dự án đầu tư đã được phê duyệt. Khi đó, các tiểu thương đã bỏ tiền mua sạp tại chợ để buôn bán kinh doanh.

Vào năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định 1266/QĐ-UBND thu hồi gần 16.000m2 đất từ các tiểu thương để xây dựng trung tâm thương mại – siêu thị kết hợp chợ truyền thống do công ty Tân Trung Sơn làm chủ đầu tư. UBND tỉnh đã cho công ty Tân Trung Sơn thuê đất để xây dựng dự án. Các tiểu thương đã phải di dời sang chợ tạm.

Cũng trong năm 2008, UBND TP. Biên Hòa đã ban hành văn bản số 1506/UBND-KT về việc cam kết đối với các hộ tiểu thương, rằng khi dự án hoàn thành thì chủ đầu tư dự án sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng tầng trệt (khu vực làm chợ truyền thống) cho thành phố quản lý để phục vụ cho các hộ tiểu thương tiếp tục kinh doanh tại chợ. Đây cũng là cam kết công ty Tân Trung Sơn, chủ đầu tư, đối với các tiểu thương.

Tuy nhiên, sau khi chợ mới được xây xong, UBND TP. Biên Hòa và công ty Tân Trung Sơn đã không bố trí các tiểu thương vào tầng trệt của chợ mới như đã cam kết mà bố trí các tiểu thương vào vị trí bất lợi và không đảm bảo cho việc phòng cháy chữa cháy.

Trong thời gian xây dựng, chủ đầu tư đã đưa ra các thay đổi trong thiết kế, bố trí ban đầu và được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận. Các thay đổi đã được thực hiện mà không có sự tham gia bàn bạc của các tiểu thương.

Suốt 7 năm nay, nhà cầm quyền tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thực sự lắng nghe, đối thoại và giải quyết các khiếu nại của Tiểu thương chợ Tân Hiệp, nên buộc họ phải đoàn kết lên tiếng, biểu tình.

Pv. VRNs

Nguồn: http://www.chuacuuthe.com/2015/03/tieu-thuong-cho-tan-hiep-bi-bat-giu-trai-phep

Monday, June 23, 2014

Chợ Tân Hiệp: Thanh tra chính phủ đối thoại với dân nhưng không lập biên bản

Như tin đã đưa, vào 14h ngày 19/6, tại hội trường thư viện tỉnh Đồng Nai đã diễn ra buổi gặp gỡ, đối thoại giữa đoàn thanh tra Chính phủ và các tiểu thương chợ Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.

Dưới đây là nội dung các trao đổi giữa hai bên trong buổi gặp gỡ này.

Ban đầu, ông Nguyễn Xuân Nam, trưởng đoàn thanh tra chính phủ trình bày lý do và mục đích của việc thanh tra. Theo ông Nam, sở dĩ có đoàn thanh tra là bởi việc tranh chấp giữa các tiểu thương chợ Tân Hiệp và nhà đầu tư đã kéo dài 3 năm và trong thời gian đó, 42 đoàn người trong số các tiểu thương đã phản ánh, khiếu nại với chính quyền địa phương và trung ương nhưng tranh chấp chưa được giải quyết. Mục đích của đoàn thanh tra là xem xét toàn bộ dự án, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân trong vụ việc và giải quyết hài hòa quyền lợi của nhà nước, của nhà đầu tư và quan trọng nhất là của tiểu thương.

Đoàn thanh tra, trong đó, ngồi giữa là ông Nguyễn Xuân Nam, trưởng đoàn

Tiếp theo, ông Nam cho biết các thông tin về vụ việc với các điểm chính sau:
  1. Đa số các tiểu thương ủng hộ xây dựng chợ mới [ở khu vực bao quanh TTTM], chỉ có một số tiểu thương cương quyết phản đối.
  2. Không đập TTTM để xây lại như thiết kế ban đầu [nếu xây lại, tiểu thương sẽ được bố trí vào mặt bằng tầng trệt thay vì khu vực bao quanh TTTM] vì đó là yêu cầu không thể thực hiện được.
  3. Sẽ tiếp nhận khiếu nại của tiểu thương một cách riêng rẽ, từng người một.
  4. Chỉ còn một phương án duy nhất để giải quyết tranh chấp, như khẳng định của UBND tỉnh Đồng Nai, là xây dựng chợ mới ở khu vực bao quanh TTTM.
Những điểm trên đây có những sai lệch. Thêm vào đó, ông Nam không có dấu hiệu dừng sau khoảng 40 phút độc thoại khiến các tiểu thương cảm thấy bất ổn và thể hiện thái độ phản đối.

Bà Đức, một trong các đại diện tiểu thương đã đứng lên cho biết các tiểu thương không chấp nhận phương án giải quyết mà ông Nam đã nêu. Bà cũng phát biểu rằng không có chuyện đa số các tiểu thương ủng hộ xây dựng chợ mới ở khu vực bao quanh TTTM mà chỉ muốn được trả lại mặt bằng tầng trệt như UBND TP. Biên Hòa đã cam kết ban đầu.

Các tiểu thương khác cũng thể hiện rõ thái độ phản đối và yêu cầu được phát biểu.

Một trong hai người đại diện theo ủy quyền của các tiểu thương, bà Nguyễn Trang Nhung, đã yêu cầu có micro cho các tiểu thương và có thư ký ghi biên bản. Tuy nhiên, ông Nam đã đáp lại rằng đây không phải là một buổi đối thoại mà là một buổi báo cáo những việc mà đoàn Thanh tra Chính phủ đã làm cho UBND tỉnh trước các tiểu thương và về việc tiếp dân, đoàn thanh tra sẽ tiếp từng người một [vào một buổi làm việc khác].

Có lẽ ông Nam đã “quên” nội dung giấy mời các tiểu thương do chính ông ký, trong đó ghi rõ mục đích của buổi làm việc là “để tiến hành gặp gỡ, đối thoại”. Một tiểu thương đã đưa giấy mời để ông “nhớ lại”. Khi này, ông Nam phải chấp nhận để các tiểu thương có ý kiến.

Giấy mời trong đó ghi rõ mục đích của buổi làm việc là “tiến hành gặp gỡ, đối thoại”

Bà Ngân, một đại diện tiểu thương phát biểu rằng thông tin mà ông Nam đã nêu là sai sự thật. Các tiểu thương không yêu cầu đập bỏ TTTM mà chỉ muốn được trả lại mặt bằng theo đúng cam kết của UBND TP. Biên Hòa.

Tiếp sau bà Ngân, các tiểu thương khác cũng nhắc lại ý muốn chung của họ rằng muốn được trả lại mặt bằng tầng trệt và không chấp nhận phương án xây dựng chợ mới ở khu vực bao quanh TTTM vốn không mấy thuận lợi cho họ. Có tiểu thương đã đặt vấn đề liệu có hay không lợi ích nhóm đằng sau các cơ quan hữu quan. Về việc khiếu nại đông người, nhiều tiểu thương phát biểu rằng từ trước tới nay họ khiếu nại đông người, và không đồng ý khiếu nại từng người như ông Nam yêu cầu, vì các tiểu thương có ý muốn chung thống nhất và đã ủy quyền cho một số đại diện thực hiện việc khiếu nại.

Các tiểu thương trong buổi đối thoại

Hai đại diện theo ủy quyền của tiểu thương, ông Cao Hà Trực và bà Nguyễn Trang Nhung,  đã đặt vấn đề vì lý do gì ông Nam muốn tiếp riêng từng tiểu thương thay vì tiếp cả tập thể hơn 400 người có chung quyền lợi, vả lại, luật nào cho phép ông chỉ tiếp riêng từng người mà không tiếp tập thể. Trước vấn đề này, ông Nam [không rõ giả vờ không biết hay thực sự không biết] đã đáp lại rằng chưa có luật nào cho phép khiếu nại đông người, nên ông không chấp nhận đơn khiếu nại tập thể. Khẳng định của ông Nam được lặp lại bởi thanh tra Hưng, một thành viên trong đoàn. Bà Nhung đã phản biện rằng theo điều 8, khoản 4, Luật Khiếu nại 2011, việc khiếu nại tập thể là được phép, và phải chăng đoàn thanh tra đang cố tình bóp méo luật để các tiểu thương vốn không hiểu biết về luật không thực hiện được quyền của họ.

Ông Nam đã bao biện rằng mỗi tiểu thương có một quyền lợi riêng, chẳng hạn người bán trong lồng chợ không thể như người bán ở bên ngoài, cho nên mới phải gặp từng người. Phía tiểu thương phản hồi rằng ông Nam có thể gặp từng người sau khi giải quyết xong quyền lợi chung của tất cả tiểu thương vì họ có chung ý muốn được trả lại tầng trệt như UBND TP. Biên Hòa đã cam kết.

Trong diễn biến tiếp theo, các tiểu thương và đoàn thanh tra tranh luận xoay qua 3 trong 4 điểm mà ông Nam nêu trong phần đầu buổi làm việc. Các tiểu thương đã khẳng định nhiều lần rằng đoàn thanh tra cần giải quyết trên cơ sở quan điểm chung của các tiểu thương, trả lại mặt bằng cho tiểu thương, không chấp nhận khiếu nại từng người, và việc ông Nam đưa ra thông tin đa số các tiểu thương đồng tình xây dựng chợ mới bao quanh TTTM là sai sự thật.

Sau nhiều ý kiến từ tiểu thương, đoàn thanh tra không có thêm phản hồi nào. Ông phó đoàn đã phát biểu kết thúc buổi làm việc, rằng đây là buổi thông tin để đoàn thanh tra nghe nguyện vọng của tiểu thương, từ đó có được thông tin chính xác nhất để giải quyết được quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và các tiểu thương.

Tiếp đó, ông Trực xin được phát biểu chốt lại 3 quyết định của tiểu thương:

Yêu cầu được trả lại đúng vị trí chợ Tân Hiệp cũ (mặt bằng tầng trệt của TTTM)
Không khiếu nại từng người
Cử đại diện phát biểu trong các cuộc họp, có sự tham gia của tất cả các tiểu thương.

Trong một động thái nhanh chóng, đoàn thanh tra đã ra về bất chấp các tiểu thương yêu cầu có biên bản, thậm chí chỉ cần một văn bản xác nhận buổi làm việc không có biên bản. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị bỏ ngoài tai.

Cuối cùng, các tiểu thương đã ra về mà không có biên bản buổi làm việc. Đây là lần đầu tiên mà buổi làm việc của họ với cơ quan công quyền lại không có biên bản.

Như vậy, buổi làm việc hơn 2 tiếng đồng hồ đã không đi đến một kết quả nào. Ông Nam đã trình bày quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai như thể trình bày quan điểm của chính mình, với những chi tiết sai sự thật, phủ định mục đích của buổi làm việc là đối thoại, và yêu cầu tiểu thương khiếu nại từng người. Những hành vi này rõ ràng đã cho thấy ông Nam nói riêng và đoàn thanh tra không có thiện chí giải quyết tranh chấp một cách đàng hoàng, đúng pháp luật, hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của các tiểu thương.

23/06/2014
Nhóm Hồ Sơ Đất Đai

Chú thích:

Theo Luật Khiếu nại 2011, Điều 8, Khoản 4:

Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc tiếp nhiều người cùng khiếu nại thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này;
 
b) Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;
 
c) Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Thursday, June 19, 2014

Đoàn thanh tra chính phủ gặp gỡ, đối thoại với các tiểu thương chợ Tân Hiệp, Đồng Nai

Vào 14h ngày 19/6, tại hội trường thư viện tỉnh Đồng Nai đã diễn ra buổi gặp gỡ, đối thoại giữa đoàn thanh tra Chính phủ và các tiểu thương chợ Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.

Đoàn thanh tra có 3 người, trong đó có ông Nguyễn Xuân Nam, thanh tra viên cao cấp, trưởng đoàn thanh tra. Phía tiểu thương có khoảng 400 người cùng với hai người đại diện theo ủy quyền là ông Cao Hà Trực và bà Nguyễn Trang Nhung.

Sau phần giới thiệu ban đầu, ông Nguyễn Xuân Nam trình bày một số nội dung mang tính chất thông báo, thông tin, trao đổi để cùng tiểu thương chia sẻ, giải quyết tranh chấp giữa công ty cổ phần Tân Trung Sơn và tiểu thương xung quanh dự án Trung tâm Thương mại Tân Hiệp mà công ty này là nhà đầu tư.

Mặc dù trong giấy mời tiểu thương ghi đây là buổi đối thoại, nhưng ông Nam đã độc thoại liên tục hàng chục phút đồng hồ với nhiều thông tin sai lệch về vụ việc và không có dấu hiệu dừng lại để đối thoại với tiểu thương. Bên cạnh có một số bất thường khác: thành phần làm việc không có thư ký ghi biên bản, hội trường có nhiều người mặc thường phục không phải tiểu thương.

Tuy đoàn thanh tra cho biết trong buổi gặp gỡ này, phía chính quyền chỉ có thanh tra chính phủ, nhưng theo chúng tôi để ý quan sát, sau rèm sân khấu của hội trường có công an mặc sắc phục và một số cán bộ của tỉnh, trong đó có ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Chúng tôi sẽ tường thuật chi tiết về nội dung buổi "đối thoại" này trong bài tường thuật kế tiếp.

20/6/2014
Nhóm Hồ Sơ Đất Đai
Đoàn Thanh tra trong buổi đối thoại

 

Tuesday, April 1, 2014

Tập thể người dân Tây Ninh tiếp tục tố cáo UBND tỉnh

4 trong 6 người gửi đơn tố cáo, từ trái sang phải và từ trên xuống dưới:
Bà Lâm Thị Hồng Phú, Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Bà Ngô Thị Linh, Bà Trần Thị Đính

VRNs (01.04.2014) – Tây Ninh –  Tháng 10 năm ngoái (ngày 14/10/2013), tập thể 6 người dân Tây Ninh đã gửi thủ tướng chính phủ đơn tố cáo UBND tỉnh Tây Ninh về việc giao đất trái pháp luật.

Đơn gửi đi cho đến nay (cuối tháng 3 năm 2014) vẫn chưa được hồi đáp. Do đó, vào ngày 26/3/2014 vừa qua, tập thể người dân Tây Ninh một lần nữa gửi đơn tố cáo tới thủ tướng chính phủ.

Trong đơn tố cáo lần này, ngoài trình bày các sự việc như trong đơn tố cáo lần trước, những người tố cáo đã nêu sự việc mới xảy ra gần đây:
  • UBND tỉnh Tây Ninh đã gửi tới 2 trong số 6 người tố cáo văn bản trả lời khiếu nại (cho đơn khiếu nại mà họ đã gửi trước đây) trong đó ghi rằng đơn khiếu nại của 2 người đã “được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết đúng theo quy định của pháp luật”.
  • 4 người còn lại cũng nhận được văn bản trả lời, trong đó khẳng định “Công ty Cao su Tân Biên đã bồi hoàn công khai phá với giá là 3.000.000đ/ha cho các hộ trực tiếp sử dụng đất.”
Cần nhắc lại rằng, UBND tỉnh Tây Ninh đã giao đất của người dân cho Nông trường Bổ Túc (thuộc Công ty Cao su Tân Biên) mà không hề bồi hoàn công khai phá cho người dân.

Như vậy, một lần nữa, UBND tỉnh Tây Ninh đã trả lời khiếu nại sai sự thật, vi phạm khoản 2, Điều 6, Luật Khiếu nại, về những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.”

Đơn tố cáo lần hai này của tập thể người dân còn ghi rõ yêu cầu thủ tướng không chậm trễ trong việc giải quyết tố cáo của họ.


Biên nhận của bưu điện nơi gửi đơn tố cáo





Tuesday, March 4, 2014

Người phụ nữ 67 tuổi, ròng rã khiếu nại gần 10 năm

VRNs (04.03.2014) – Tây Ninh – Người phụ nữ trong tấm hình này, bà Lâm Thị Hồng Phú, sinh năm 1947, ở xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã khiếu nại ròng rã gần 10 năm trời (từ năm 2005 đến nay) để đòi lại 6 hec-ta (ha) đất mà gia đình bà đã cất công khai phá từ năm 1980 đến năm 1986.

UBND tỉnh Tây Ninh đã giao đất cho Công ty Cao su Tân Biên, tên gọi lúc bấy giờ của Nông trường Cao su Bổ Túc ngày nay, mà không bồi thường công khai phá cho gia đình bà cũng như rất nhiều hộ dân khác.
Bà Lâm Thị Hồng Phú đứng trước Nông trường Nông trường Cao su Bổ Túc

Bà Lâm Thị Hồng Phú đứng trước căn nhà đơn sơ, dễ đổ nát.
Bà đã sống trong căn nhà này hàng chục năm qua.
Bà là một trong số ít ỏi những người kiên trì khiếu nại bất kể mọi trở ngại thay vì chấp nhận hỗ trợ với giá rẻ mạt từ chính quyền địa phương.

Gần đây, một số người của chính quyền địa phương thường xuyên “trông nom”, canh chừng bà ở trước khu nhà. Khi thấy bà không có nhà, họ thậm chí hỏi các con gái bà rằng bà đi đâu. Việc đi lại của bà, vì thế, đang gặp trở ngại. Động thái bất thường này của chính quyền địa phương không khỏi khiến cho bà băn khoăn: Có lẽ họ lo sợ bà tiếp tục khiếu nại lên cấp trung ương.

Hành động của chính quyền địa phương đã xâm phạm một cách lộ liễu vào đời sống của người phụ nữ 67 tuổi này. Họ làm vậy hẳn với mục đích uy hiếp tinh thần của bà để bà thôi theo đuổi việc đòi lại 6 ha đất đã được UBND tỉnh Tây Ninh giao cho Nông trường Cao su Bổ Túc một cách trái pháp luật.

Sunday, November 24, 2013

Chợ Tân Hiệp: UBND TP. Biên Hòa không giữ cam kết với tiểu thương

VRNs (23.11.2013) – Đồng Nai – Chợ Tân Hiệp, thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được xây dựng vào năm 1998, hoạt động từ năm 1999, là nơi buôn bán kinh doanh của khoảng 700 tiểu thương.

Việc xây dựng chợ Tân Hiệp được bắt đầu bằng quyết định 429/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này, gần 19.000m2 đất tại phường Tân Hiệp được giao cho UBND TP. Biên Hòa để xây dựng chợ Tân Hiệp theo dự án đầu tư đã được phê duyệt. Khi đó, các tiểu thương đã bỏ tiền mua sạp tại chợ để buôn bán kinh doanh.

Vào năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định 1266/QĐ-UBND thu hồi gần 16.000m2 đất từ các tiểu thương để xây dựng trung tâm thương mại – siêu thị kết hợp chợ truyền thống do công ty Tân Trung Sơn làm chủ đầu tư. UBND tỉnh đã cho công ty Tân Trung Sơn thuê đất để xây dựng dự án. Các tiểu thương đã phải di dời sang chợ tạm.

Cũng trong năm 2008, UBND TP. Biên Hòa đã ban hành văn bản số 1506/UBND-KT về việc cam kết đối với các hộ tiểu thương, rằng khi dự án hoàn thành thì chủ đầu tư dự án sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng tầng trệt (khu vực làm chợ truyền thống) cho thành phố quản lý để phục vụ cho các hộ tiểu thương tiếp tục kinh doanh tại chợ. Đây cũng là cam kết công ty Tân Trung Sơn, chủ đầu tư, đối với các tiểu thương.

Tuy nhiên, sau khi chợ mới được xây xong, UBND TP. Biên Hòa và công ty Tân Trung Sơn đã không bố trí các tiểu thương vào tầng trệt của chợ mới như đã cam kết mà bố trí các tiểu thương vào vị trí bất lợi và không đảm bảo cho việc phòng cháy chữa cháy.

Trong thời gian xây dựng, chủ đầu tư đã đưa ra các thay đổi trong thiết kế, bố trí ban đầu và được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận. Các thay đổi đã được thực hiện mà không có sự tham gia bàn bạc của các tiểu thương.

Các tiểu thương đã bức xúc, khiếu nại tới UBND TP. Biên Hòa và UBND tỉnh. Họ và chính quyền địa phương đã có một số buổi làm việc về vấn đề bố trí này. Trong đó, các tiểu thương chỉ mong muốn UBND TP. Biên Hòa và công ty Tân Trung Sơn giữ đúng cam kết ban đầu về việc tái bố trí các tiểu thương kinh doanh tại tầng trệt của chợ mới.

Đến nay, mong muốn của các tiểu thương vẫn không được đáp ứng. Thay vì giữ đúng cam kết, UBND TP. Biên Hòa đang thuyết phục các tiểu thương để đi đến đồng thuận với phương án bố trí khác so với cam kết ban đầu.

Văn bản 1506/UBND-KT về một số nội dung cam kết về chính sách hỗ trợ khi thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống (trang 1).

Văn bản 1506/UBND-KT (trang 2)

Trả lời của UBND TP. Biên Hòa đối với bà Phan Thị Bé về nội dung kiến nghị của các tiểu thương chợ Tân Hiệp, trong đó ghi rõ việc tái bố trí các tiểu thương vào tầng trệt của chợ mới.

Saturday, November 16, 2013

Bà Phạm Thị Hồng gửi đơn tố cáo UBND tỉnh Tây Ninh

Tây Ninh là một trong các tỉnh có rất nhiều sai phạm trong việc quản lý đất đai. Hồ Sơ Đất Đai đã từng đăng đơn tố cáo UBND tỉnh Tây Ninh của tập thể 6 người dân. Nay, blog này tiếp tục đăng đơn tố cáo của một người dân Tây Ninh, bà Phạm Thị Hồng, về việc UBND tỉnh Tây Ninh vi phạm pháp luật trong việc ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nông trường Nước Trong (thuộc Công ty Mía đường Tây Ninh) và trong việc giải quyết khiếu nại của bà.

Trong đơn tố cáo, bà Hồng chỉ ra: "UBND tỉnh đã phê duyệt phương án giao đất cho Nông trường Nước Trong vào năm 1977. Tuy nhiên, trong quá trình khiếu nại, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác đã yêu cầu UBND tỉnh đưa ra bằng chứng về việc phê duyệt phương án giao đất cho Nông trường Nước Trong vào năm 1977 nhưng UBND đã không đưa ra được bằng chứng nào. Hơn nữa, nếu UBND tỉnh thực tế đã phê duyệt phương án giao đất cho Nông trường Nước Trong vào năm 1977 thì tại sao mãi tới năm 1997 mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Xí nghiệp đường Nước Trong, trong khi quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có từ Luật Đất đai 1987? Thêm vào đó, vào năm 1986, tại sao khi Nông trường Nước Trong đến ủi đất, UBND tỉnh không thông báo hay cho biết gì về việc phê duyệt phương án giao đất này?"

Từ các điểm trên, có thể nghi ngờ rằng UBND tỉnh không hề có phương án giao đất nào, và do đó, việc UBND tỉnh bác yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của bà Hồng vì “đất này UBND tỉnh đã giao cho Nông trường Nước Trong sản xuất theo quy hoạch từ năm 1976-1977” (trích văn bản số 1869/TB-UBND) là bịa đặt.





Biên nhận của bưu điện nơi gửi